Miền Tây có nhiều món bún ngon nức tiếng được xếp hàng đặc sản. Đi Trà Vinh có món bún suông, ghé Sóc Trăng thưởng thức bún nước lèo, đến Cần Thơ nhớ ăn món bún mắm, về An Giang lại có món bún cá, còn Kiên Giang thì có món bún kèn nổi tiếng ở vùng Hà Tiên hấp dẫn với nước dùng vàng nghệ, vị béo ngọt từ nước cốt dừa và thịt cá, ăn cùng rau sống. Không chỉ gây ấn tượng bởi tên gọi “phát ra âm thanh”, bún kèn Kiên Giang còn thu hút thực khách nhờ hương vị hòa quyện từ các loại nguyên liệu của vùng biển này.
Món bún miền Tây có tên gọi phát ra âm thanh
Bún kèn là món ăn dân dã, ở miền thôn quê, người bán đựng bún trong gánh đi bán từ nhà này sang nhà khác. Hoặc bày biện quầy hàng tại các chợ như một món ăn sáng bình dân giống bún riêu, cơm tấm, cháo lòng… Nguyên liệu món ăn đơn giản gồm cá, bún, gia vị như nghệ, sả, tỏi… Và quan trọng phải có nước cốt dừa. Chính thành phần này là xuất phát điểm cho tên của món bún kèn. Với người Khmer Nam Bộ, “kèn” là từ chỉ các món ăn được nấu từ nước cốt dừa và có màu vàng của nghệ.
Món bún kèn ở Hà Tiên hay Kiên Lương, Kiên Giang không giống với món bún kèn ở An Giang nấu bằng cá lóc đồng. Mà dùng nguồn cá biển dồi dào, tươi ngon như cá nhồng, cá rựa, cá ngân có thịt dai ngọt. Là món ăn bình dân nhưng để có tô bún kèn ngon cũng phải tỉ mỉ từng công đoạn.

Cá được mua từ những mẻ cá biển mới vào bờ, làm sạch rồi nấu chín, rỉa lấy phần thịt xé nhỏ. Lúc này, các gia vị như sả, củ riềng, nghệ, ớt được đâm nhuyễn rồi phi vàng. Cho thêm thịt cá vào xào săn, có thể cho bột ngũ vị hương để tăng mùi vị. Dừa khô nạo lấy phần cơm rồi vắt nước cốt. Thêm nước ấm rồi bỏ vào nồi nước luộc cá nấu nôi. Sau đó sẽ cho phần thịt cá đã xào vào nồi nấu riu riu, nêm nếm vừa miệng. Nồi nước kèn lúc này có màu vàng đẹp mắt. Và phảng phất mùi béo ngậy thơm của nước cốt dừa.
Bún kèn có thể thưởng thức vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày
Nồi nước kèn lúc nào cũng nóng hổi, khi có khách gọi, chủ quán nhanh tay lấy nhúm rau sống đủ loại. Ví như húng cây, rau răm, giá sống, dưa leo, đu đủ bào sợi để bên dưới. Phía trên là lớp bún tươi. Sau đó, người bán lấy vá múc phần thịt cá biển lắng dưới đáy nồi đã nấu mềm. Thấm vị cho lên trên mặt bún rồi chan thêm ít nước dùng xăm xắp đều khắp tô. Món ăn được trộn đều, sợi bún tươi, nhỏ nhắn hòa cùng nước dùng màu vàng tươi béo ngậy. Xen kẽ mớ thịt cá ngọt mềm và vị giòn của rau. Có thêm miếng nước mắm ớt mằn mặn, cay cay lại càng cuốn hút.

Mỗi suất bún kèn Kiên Giang có giá từ 20.000 – 25.000 đồng. Tô bún có màu trắng của bún, giá; xanh của rau; đỏ của ớt; vàng cam của đu đủ bào, của nước lèo và cá xay nguyễn. Món ăn có vị ngọt nhẹ, béo ngậy của nước cốt dừa; vị mặn mòi của cá biển, mùi thơm. Cay nồng từ ớt, bột cà ri hay ngũ vị hương, hòa quyện cùng độ giòn tan của đu đủ.
Không chỉ ở Kiên Giang, thực khách có thể thưởng thức bún kèn ở Châu Đốc (An Giang). Nếu như bún kèn Phú Quốc dùng cá xay nhuyễn với nước lèo sền sệt. Thì bún kèn Châu Đốc làm từ cá nguyên miếng và nước dùng cũng lỏng hơn.
Ngoài ra, bún kèn Châu Đốc còn có sự kết hợp của các loại cá đồng. Ví như cá lóc, cá bông, cá rô. Chúng được tách lấy phần thịt dày rồi giữ nguyên. Xào chung với gia vị như bột nghệ, bột cà ri, đinh hương,… để tạo màu vàng bắt mắt.