Cứ đến ngày 11 và 12 tháng Giêng hàng năm là du khách thập phương lại đổ về phường Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ để tham gia lễ hội Trò Trám hay còn được gọi là lễ hội “Linh tinh tình phộc”. Lễ hội Trò Trám là một lễ hội biểu hiện tín ngưỡng phồn thực của người dân trồng lúa nước cầu cho mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi. Lễ hội Trò Trám kéo dài một ngày và một đêm, bắt đầu từ tối ngày 11 và kết thúc vào chiều ngày 12 tháng Giêng hàng năm.
Mục Lục
Nơi diễn ra lễ hội
Ngôi Miếu cổ là nơi diễn ra lễ hội Trò Trám. Ngôi miếu nhỏ chừng 10m2. Nhìn bề ngoài miếu Trò không khác là mấy so với những ngôi miếu ở vùng nông thôn Việt Nam nhưng Miếu Trò đóng cửa quanh năm. Chỉ mở cửa đúng vào đêm 11, rạng sáng ngày 12 tháng Giêng. Trong miếu thờ linh vật (dân gian gọi là Nõ – Nường, sinh thực khí nam nữ) của tín ngưỡng phồn thực. Một tín ngưỡng khởi nguyên và sơ khai của các tộc người trên trái đất, trong đó có dân tộc Việt. Linh vật được thờ tại ngôi miếu Trò cất giữ cẩn thận trên khám thờ. Chỉ lấy ra một lần duy nhất vào đêm 11 tháng Giêng hàng năm. Đồng thời chỉ cụ từ và đôi nam nữ được chọn mới được phép sờ tay vào linh vật.
Du khách thập phương đến lễ hội sẽ được chứng kiến sự linh thiêng huyền bí của phần lễ; sự vui nhộn độc đáo của phần hội. Đây thuộc dòng lễ hội tục hèm, mang đậm bản sắc văn hoá của người Việt cổ.
Những phần diễn ra trong lễ hội
Lễ hội gồm 3 phần: hội trình nghề “tứ dân chi nghiệp”, lễ Mật và lễ rước lúa thần. Đêm ngày 11 diễn ra phần hội trình nghề “tứ dân chi nghiệp”. Đây là phần vui nhộn nhất của lễ hội với các trò diễn mang tính hài hước; mua vui, rất gần với sinh hoạt đời thường.
Màn diễn “Tứ dân chi nghiệp” còn có tên gọi khác là “Bách nghệ khôi hài” là màn kịch dân gian vui nhộn khắc họa 4 nghề chính trong đời sống (sỹ, nông, công, thương) do chính những người nông dân tham gia trình diễn các vai: thợ cày, thợ cấy, thợ mộc, người chăn tằm, dệt vải, thầy đồ, thầy thuốc, thầy cúng, người đi buôn, đi câu, bắt cá… với những động tác, ngôn ngữ gây cười cho người xem. “Bách nghệ khôi hài” là ngày hội tự do, do vậy có những màn hoạt cảnh, mang nhiều yếu tố của sân khấu dân gian được cách điệu hóa, khôi hài, cười đến chảy nước mắt.
Lễ mật thu hút sự quan tâm của nhiều người
Hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của người xem hơn cả là lễ Mật. Mọi người tham gia mong cho nòi giống sinh sôi. Lễ được thực hiện vào nửa đêm ngày 11, rạng sáng ngày 12 tháng Giêng tại miếu Trò. Sau lễ tế (bắt đầu vào lúc 23 giờ) do các cụ cao tuổi trong làng thực hiện đến đúng 0 giờ. Cụ chủ lễ thắp hương và rước Nõ – Nường (Nõ là chiếc dùi gỗ hình dương tính. Nường là chiêc mui rùa hình âm tính) từ trên ban thờ đưa Nõ cho người nam ở trần chít khăn và Nường cho người nữ mặc yếm thắm.
Lúc này, mọi đèn, nến đều được tắt hết. Khi cụ chủ lễ xin âm dương và hô “Linh tinh tình phộc” thì đôi nam nữ dướn người lên. Họ giơ cao dùi gỗ và mui rùa, miệng hát “bên ấy có nứng cùng chăng; bên này lủng lẳng như giằng cối xay” rồi chọc nhanh vào nhau cho khớp. Nghi lễ này diễn ra 3 lần theo hiệu lệnh và theo quan niệm của người xưa, nếu cả 3 lần chọc trúng vào nhau thì năm đó sẽ mưa thuận, gió hòa, làm ăn tươi tốt, cuộc sống ấm no…
Lễ tế, lễ rước lúa thần
Tiếp đến, khi cụ già trong làng hô ‘Tháo khoán’ thì các chàng trai; cô gái trong làng kéo nhau ra sau miếu để trêu ghẹo, đụng chạm nhau. Trong đêm tối, khi các đôi tình nhân đang “tháo khoán”, mọi người không được phép quay phim, chụp ảnh.
Sang đến sáng ngày 12 là phần lễ tế, lễ rước lúa thần, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nông dân ấm no. Những bông lúa thu hoạch từ vụ trước thờ trong miếu Trò được lấy ra rước đến đền Xa Lộc. Nơi đây thờ vị tướng Phùng Lân Hổ thời nhà Trần. Sau đó tiếp tục rước xung quanh làng, qua những cánh đồng thôn xóm đi theo con đường bờ hồ; gò vườn cũ, bờ đầm về miếu Trò. Trong khi rước lúa trên đường làng, các trò diễn tiếp tục được thực hiện tạo không khí nhộn khắp làng. Cuối cùng là lễ cúng thập bái thực hiện tại miếu Trò để kết thúc hội.
Với nội dung diễn xướng phong phú, hình thức thể hiện khôi hài đem đến cho người dự hội những tiếng cười sảng khoái, lễ hội Trò Trám sống mãi trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, đem lại cho người dân niềm tin yêu cuộc sống và góp phần làm phong phú hơn bản sắc văn hóa vùng đất Tổ.