Rằm tháng Giêng hay ngày Tết Nguyên tiêu được biết đến là một trong những ngày Tết quan trọng không kém gì Tết Nguyên đán, và cũng chính vì vậy mà món bánh trôi nước tráng miệng trở thành một điều không thể thiếu trong mâm cỗ cúng rằm. Ý nghĩa của việc cúng chè trôi nước vào ngày này là mong muốn mọi việc quanh năm được thuận lợi, trôi chảy. Gần đây, trong nhóm chuyên làm bánh, chị Huỳnh Ngọc Mỹ Phương (36 tuổi, cư trú tại TP.HCM) đã chia sẻ cách làm bánh trôi nước với nhiều hình dạng con vật vô cùng dễ thương, đẹp mắt thu hút không ít sự chú ý.
Mục Lục
Ý nghĩa của món bánh trôi nước trong mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng
Rằm tháng Giêng hay còn gọi là ngày Tết Nguyên tiêu, trong đó “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm, nên Tết Nguyên tiêu chính là đêm rằm đầu tiên trong năm. Vào ngày này, nhà nhà đều chuẩn bị mâm cơm cúng với đầy đủ các món mặn như xôi, gà, nộm, canh bóng hay canh măng, nem rán, giò lụa, bánh chưng… và một món ngọt không thể thiếu, đó chính là món bánh trôi nước.
Mới nghe cũng không ít người thấy lạ, vì tục lệ này đã bị mai một đi nhiều. Giờ không còn nhiều gia đình cúng Rằm tháng Giêng với món bánh này và rất thắc mắc; không hiểu vì sao lại có món bánh trôi nước trong mâm cỗ cúng Rằm khi mà đã có món chè kho hay xôi chè… Nhưng nghe các cụ các bà giải thích thì mới biết ý nghĩa sâu sắc của món bánh đơn giản, dân dã này.
Những viên bánh trắng tròn vỏ gạo nếp dẻo thơm, nhân đường ngọt lịm; trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng chính là thể hiện ước mong mọi sự cả năm được trôi chảy. Như tên gọi của món bánh và hạnh phúc của gia đình cũng tròn đầy như hình dáng của viên bánh.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
Phần vỏ bánh:
– 150gr bột nếp
– 1/2 củ khoai tây hấp nghiền nhuyễn
– 120gr nước nấu sôi già
Phần nhân bánh:
– 100gr đậu xanh
– 40gr đường
– Muối
– Hành tím phi vàng
Phần nước cốt dừa:
– 300ml nước cốt dừa
– 50gr sữa đặc
– Tí xíu muối
– 10gr bột năng
– 1 muỗng cà phê nước
– 2 cọng lá dứa
Cách chế biến bánh trôi nước
Bước 1: Phần vỏ bánh
– Cho khoai tây đã nghiền nhuyễn vào bột.
– Từ từ đổ nước sôi vào, vừa đổ vừa khuấy, để bớt nóng nhồi tay… Cho từ từ nước sau khi nhồi tránh bột bị nhão quá. Nhồi đến khi bột mịn dẻo không dính tay là đạt.
– Đậy bột và để nghỉ nửa tiếng.
Bước 2: Phần nhân bánh trôi nước
– Nấu chín đậu xanh với tí xíu muối (Hấp hoặc nấu đều được).
– Đánh nhừ đậu xanh.
– Cho đậu ra chảo mở lửa nhỏ, cho đường vào và đổ từ từ nước cốt dừa vào. Đến khi thu được hỗn hợp vừa đủ độ mềm đạt (không nên cho quá nhiều nước cốt dừa vào tránh quá lỏng không thể vo viên)
– Cho hành phi trộn đều và tắt bếp.
Bước 3: Phần nước cốt dừa
– Cho nước cốt dừa vào nồi cùng với lá dứa, mở lửa vừa đến khi sôi nhẹ.
– Cho sữa đặc và muối vào khuấy tan.
– Để sôi lại thì hoà tan bột năng và nước rồi cho vào. Khuấy đều đến khi hết lợn cợn thì tắt bếp.
– Để nguội và bảo quản trong tủ lạnh 2 ngày.
Bước 4: Hoàn thiện bánh trôi nước
– Chia mỗi viên nhân nặng 12gr
– Chia vỏ bánh thành các phần nặng 20gr
– Tạo hình theo ý thích. Bạn có thể nặn thêm các tiểu tiết nhỏ như mắt, mũi, miệng, tai… đơn giản để tạo thành các con vật ngộ nghĩnh. Để tạo các phần bột có màu, bạn có thể pha với nước cốt của quả thanh long, hạt dành dành, cà rốt…
– Nấu một nồi nước nhỏ với tí xíu đường và gừng, cho viên chè vào luộc đến khi nổi lên mặt nước thì vớt ra.
– Chuẩn bị chén nước sạch để thả viên chè vào.
– Nấu một nồi nước đường riêng, nêm vị ngọt vừa ăn. Cho vào vài cọng lá dứa và gừng giã nhuyễn vào. Sau khi trụng viên chè qua nước; thì cho vào nồi nước đường này nấu thêm 5 phút đến 7 phút nữa là xong.
– Khi ăn chan nước cốt dừa và cho mè trắng đã rang lên trên chè là xong!