Dường như các món chè vẫn luôn là một trong những tâm điểm trong sự chú ý của các chị em nội trợ. Nguyên nhân là vì đây là món ăn quen thuộc, dân dã, lại được lòng rất nhiều lứa tuổi. Hầu như ai trong chúng ta cũng thích ăn chè và có cho mình một món chè khoái khẩu. Chính vì vậy mà trong chuyên mục khéo tay hay làm ngày hôm nay, chúng mình sẽ mách các bạn cách làm một món chè khá độc đáo ngay tại nhà. Hãy thử vào bếp trổ tài để xem các thành viên trong gia đình bạn có cưỡng lại được sức hấp dẫn của món chè khoai mì ngũ sắc này không nhé!
Mục Lục
Nguyên liệu cần có để nấu chè khoai mì ngũ sắc
- Khoai mì 1 kg
- Bột năng 80 gr
- Đậu phộng rang 30 gr
- Bột báng 50 gr
- Bột khoai 50 gr
- Nước cốt lá dứa 1 chén (chén ăn cơm)
- Nước cốt lá cẩm 1 chén (chén ăn cơm)
- Nước cốt hoa đậu biếc 1 chén (chén ăn cơm)
- Nước cốt hạt gấc 1 chén (chén ăn cơm)
- Nước cốt dừa 250 ml
- Muối 1/2 muỗng cà phê
- Đường 5 muỗng canh
- Dụng cụ thực hiện: Máy xay sinh tố, vỉ hấp, thau, tô, chén,…
Cách chọn mua khoai mì tươi ngon:
Để chọn mua được những củ khoai mì ngon, có củ mềm ngọt, không bị xơ thì bạn nên chọn củ có lớp vỏ tươi mới.
Một mẹo hay đó là dùng móng tay cạo nhẹ phần vỏ mỏng phía ngoài khoai mì, nếu lớp vỏ phía trong là màu hồng nhạt thì nên chọn, màu trắng thì không nên, bởi vì lớp vỏ màu hồng sẽ có ít độc tố hơn lớp vỏ màu trắng.
Ngoài ra, củ khoai mì bạn không nên để quá lâu sẽ làm khoai bị chai sượng, không còn ngon nữa.
Hướng dẫn chế biến món chè khoai mì ngũ sắc
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
Khoai mì mua về bào vỏ, cắt khúc và ngâm trong nước muối pha loãng ít nhất 2 tiếng, sau đó vớt ra để ráo rồi cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn (hoặc bào nhuyễn).
Cho khoai mì đã bào nhuyễn vào túi vải và vắt cho thật khô, phần xác khoai để ra thau riêng, phần nước thì bạn để khoảng 20 phút cho lắng cặn.
Phần xác khoai mì bạn cho vào tô lớn, cho vào tô 80gr bột năng, 2 muỗng canh đường, 50ml nước cốt dừa vào chung, trộn đều các hỗn hợp lại với nhau.
Tiếp đến cho các hỗn hợp trên vào 5 cái tô, bạn cho chén nước cốt lá dứa vào 1 tô và trộn đều. Tiếp tục đổ từng chén nước cốt lá cẩm, nước cốt hạt trái gấc, nước cốt hoa đậu biếc còn lại vào từng tô và trộn đều các hỗn hợp lại với nhau.
Phần bột báng, bột khoai bạn rửa sạch rồi ngâm với nước lạnh 20p, sau đó rửa sơ lại với nước rồi để ráo.
Bước 2: Tạo hình và hấp khoai
Vo hỗn hợp thành từng viên bi tròn nhỏ vừa ăn, bạn làm lần lượt cho đến khi hết hỗn hợp thành 5 màu sắc khác nhau rồi xếp ra dĩa.
Bắc nồi lên bếp, cho vào 100ml nước lọc và đun với lửa lớn. Cho dĩa khoai mì đã vo vào xửng hấp. Đậy nắp nồi lại và hấp trong vòng 15 phút.
Sau 15 phút bạn tắt bếp rồi cho dĩa khoai mì đã hấp ra để nguội khoảng 5 phút.
Bước 3: Tiến hành nấu chè khoai mì ngũ sắc
Cho 200ml lít nước cốt dừa và 500ml nước lọc vào nồi. Bắc nồi lên bếp và nấu ở lửa lớn cho đến khi hỗn hợp sôi lên.
Khi nước đã sôi thì bạn hạ nhỏ lửa. Cho vào nồi 3 muỗng canh đường, 1/2 muỗng cà phê muối và khuấy đều cho tan. Tiếp theo cho bột báng, bột khoai vào nồi. Sau cùng cho những viên khoai mì đã hấp vào nồi.
Tiếp tục nấu thêm khoảng 10 phút. Sau đó nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp. Múc chè ra tô, rắc thêm 1 ít đậu phộng rang lên trên là hoàn thành.
Chén chè thơm ngon là sự kết hợp giữa vị thơm béo của nước cốt dừa với độ mềm dẻo cực đã của khoai mì, món chè mang một vị ngọt rất thanh và dễ chịu, không bị gắt. Đảm bảo cả nhà sẽ tấm tắc khen ngon với món chè này của bạn đấy!
Những lưu ý khi nấu chè khoai mì mà bạn cần biết
Để món khoai mì được đúng vị và đảm bảo được màu sắc cần lựa chọn khoai mì ngon. Khi mua, chú ý không nên chọn những củ bị sượng, bị hỏng hoặc dập móc, có mùi lạ vì không chỉ ảnh hưởng đến mùi vị món ăn mà còn không tốt cho sức khỏe.
Nên chọn những củ khoai mì tươi, mập, lớp vỏ mới, không khô vì đây là những củ ngọt, mềm và ít xơ. Đặc biệt, khi bạn cạo lớp vỏ ngoài mà thấy lớp vỏ trong có màu trắng thì nên bỏ qua, còn màu hồng nhạt thì nên chọn vì nó chứa ít độc tố hơn.
Khoai mì khi mua về hay nhổ lên nên nấu ngay, không để quá lâu.
Gọt vỏ ngoài khoai mì cho thật kỹ và ngâm rửa khoai mì với nước muối.
Từng viên chè nấu xong không bị nát hoặc dính vào nhau.
Chè không nên nấu quá ngọt, nếu bạn thích ăn ngọt thì gia giảm lượng đường.
Vậy là chúng ta đã hoàn thành cách nấu chè khoai mì dẻo, bùi và hấp dẫn. Chúc bạn sẽ thành công với món chè này!