Thổi cơm thi là một trong những trò chơi dân gian phổ biến trong nhiều lễ hội ở đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, hội thổi cơm thi trong lễ hội làng Đăm (xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội) lại thu hút đông đảo người xem bởi nhiều điều khác biệt được diễn ra. Cuộc thi đã thể hiện sự khéo léo và đảm đang của những người phụ nữ. Trò chơi thổi cơm thi mang đậm nét dân gian rất được yêu thích và mang đến cho người xem những phút giây thư giãn, giải trí. Giải thưởng của phần thi này tuy rất nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa tinh thần lớn lao.
Mục Lục
Hội thổi cơm thi tại lễ hội làng Đăm
Tại lễ hội làng Đăm, người chơi sẽ không chơi thành đội 10 người như hội thổi cơm thi làng Thị Cấm, hay 3, 4 người như tại nhiều lễ hội khác mà chơi riêng theo từng cá nhân. Người chơi thường là những thiếu nữ trong làng. Mỗi vòng thi diễn ra trong thời gian 5 phút với 6 người chơi. Luật chơi rất đơn giản.
Mỗi người chơi phải tự cho gạo, cho nước vào niêu của mình. Sau đó mang chiếc niêu đó trên mình bằng một thanh tre buộc cố định trên lưng. Trong quá trình nấu phải đi thành một vòng tròn; tay cầm những bó nứa đốt cho đến khi cơm chín hoặc hết thời gian thì dừng lại. Tiêu chuẩn để chấm điểm là niêu cơm phải chín đều, không bị khê, cháy. Tuy nhiên nếu không khéo léo thì việc nấu được một niêu cơm ngon không hề dễ dàng.
Thi thổi cơm niêu là trò chơi dân gian truyền thống được tổ chức thường niên tại lễ hội làng Đăm. Năm nào cũng thu hút đông đảo người dân trong làng, trong xã tới tham dự. Giải thưởng tuy rất nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa tinh thần lớn lao, ca ngợi sự khéo léo, đảm đang của các bà, các cô và mang đến những giây phút giải trí cho người dân sau những ngày bận rộn mưu sinh.
Hội thổi cơm thi làng Thị Cấm
Cứ đến ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm, người dân làng Thị Cấm (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) lại cùng nhau có mặt tại đình làng để cùng tham gia Hội kéo lửa, thổi cơm thi truyền thống. Đây là phong tục có từ lâu đời vào mỗi dịp xuân về, để cầu chúc cho người dân một năm mới no đủ, hạnh phúc và bình an.
Trước hội thi, các đội thi chuẩn bị sẵn các vật dụng để chuẩn bị thổi cơm. Đó là chày, cối, rơm, nồi… để trổ tài nấu cơm nhanh và thơm dẻo nhất. Mỗi đội được Ban tổ chức phát 1kg thóc để nấu cơm. Các nam thanh niên đem thóc vào cối giã. Thao tác phải thật nhanh và khéo léo để hạt gạo không bị vỡ. Sau đó, gạo được sàng trấu để loại bỏ sạn và vo sạch. Cùng lúc còn có một thiếu niên thi chạy cự ly khoảng 800 m. Từ đình làng ra chỗ lấy nước và quay về đình làng nơi tổ chức hội thi nấu cơm.
Tiếp đó, mỗi đội cử ra 4 nam thanh niên tham gia phần thi kéo lửa. Để kéo ra lửa, người ta lấy hai thanh giang kẹp vào bùi nhùi. Đồng thời dùng hai thanh tre ốp một mảnh trên và một mảnh dưới, giữ chắc hai đầu rồi hai người kéo co cho cật giang cọ sát vào cật tre nhiều lần tạo ma sát. Khi nào thấy có khói lên thì dừng lại và thổi cho lửa bùng lên, dùng mồi lửa này để thổi cơm.