Theo văn hoá của người Ê-đê thì rượu cần dùng để cúng tế thần linh, là vật trung gian giúp con người giao tiếp với các sinh vật siêu nhiên, là phương tiện để chia sẻ vui buồn, giao duyên, hẹn hò, nhắc nhở công việc với bạn bè … Bất kể thời gian và không gian nào, tục uống rượu cần cũng là một nét văn hóa đẹp trong đời sống văn hoá của dân tộc Ê-đê nói riêng và người dân tốc Tây Nguyên. Nét đẹp trong văn hoá uống rượu cần của người Ê-đê được thể hiện trong sinh hoạt hàng ngày hay trong các lễ hội, cưới hỏi, khách khứa, bầu bạn…
Mục Lục
Sử dụng rượu trong sinh hoạt hàng ngày
Trong một năm người Ê-đê có khá nhiều lễ hội: Lễ ăn cơm mới, lễ cúng bến nước, lễ bỏ mả, lễ thổi tai em bé, lễ mừng thọ… Nhằm chuẩn bị cho mùa lễ hội, từ trước đó rất lâu người Ê-đê đã làm rượu cần chưng cất trong nhà, chỉ chờ đến mùa lễ hội là mang ra sử dụng. Ở các buôn người đồng bào Ê-đê hầu như gia đình nào cũng có rượu cần. Ít nhất cũng vài ché, vài hũ. Thậm chí nhiều gia đình có hàng chục ché, hàng chục hũ.
Mỗi gia đình có những cách ủ rượu khác nhau để tạo ra những hương vị đặc trưng riêng. Nguyên liệu chính vẫn là gạo nấu chín để nguội hoặc ấm (tùy thuộc vào thời tiết) trộn với men và trấu sạch. Sau đó cho vào ché lấy lá bịt kín miệng rồi để nơi thoáng mát. Bí quyết làm nên hương vị đặc trưng nằm ở loại men và cách phối men. Thông thường, người Ê-đê sử dụng loại men truyền thống. Nó được làm từ các loại rễ cây trong rừng. Thêm nữa, rượu phải đựng trong những chiếc ché cổ mới cho hương vị và chất lượng thơm ngon.
Cách chế biến rượu
Ðể có những ché rượu cần ngon, ngoài cách chế biến cũng phải có sự chuẩn bị chu đáo. Người Ê-đê dựng những cây cột dùng để buộc rượu thành vòng tròn hay hàng ngang. Tùy theo tính chất của buổi uống rượu. Những cột này là cây tre, lồ ô cao khoảng 2-3m, được trang trí thêm những tua chỉ đầy màu sắc, hoa văn; những thanh gỗ nhỏ đẽo gọt các hình con thú như những cây nêu.
Các ché rượu được buộc chặt vào từng cột để không đổ ngã. Họ lấy những lá cây không có độc xung quanh vườn nhà như lá chuối, mít, ổi…Để nhét chặt vào miệng ché trước khi đổ nước vào. Việc làm này nhằm mục đích để khi đổ nước vào ché; bã rượu và trấu sẽ không bị nổi lên trên mặt ché và làm trào ra bên ngoài. Đồng thời tạo nên một khoảng trống từ cổ đến miệng ché (cao từ 10-15 cm). Khoảng trống này là cữ cho mỗi người uống, mỗi cữ khoảng 200-300 ml nước.
Sau đó đến việc chuẩn bị cần uống rượu, thông thường cần uống thường được chuẩn bị sẵn trong mỗi gia đình. Cần rượu được làm bằng cây trúc hoặc cành tre nhỏ. Nó được thông ruột ống, dài khoảng 1,3 m tùy từng loại ché lớn nhỏ. Ðoạn giữa của cần cũng có khi được gắn một ống nhựa nhỏ trong suốt (dài khoảng 20 cm). Nối với hai đầu cần để người uống có thể xoay chuyển từ mọi hướng mà cần không bị gãy. Cùng với đó tạo cho người uống có cảm giác thoải mái. Nó có thể thấy trực tiếp dòng chảy rượu cần từ ché qua ống nhựa khi dùng.
Thưởng thức rượu
Không gian uống rượu cần khi tiếp khách của người Ê-đê cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh. Nếu là khách quý, khách là quan chức, có vai vế thì chủ nhà chọn nơi uống rượu. Đây là chỗ sang trọng nhất trong nhà, thường là chỗ rộng nhất trong ngôi nhà dài. Khi uống rượu cần không đơn giản chỉ có chủ nhà với người khách đến chơi; mà chủ nhà thường mời thêm hàng xóm, anh em, bà con láng giềng đến nhà cùng chung vui, uống rượu. Những người được mời đến bao giờ cũng thường mang theo nhiều ché rượu cần của gia đình mình để góp vui…
Điều đặc biệt ở người đồng bào Ê-đê là họ chỉ dùng duy nhất một ống trúc thông ruột; chiều dài khoảng một mét để uống. Rượu cần được uống trong không gian của ngôi nhà dài, cột bên một cây cọc ở trong nhà nhô lên khỏi sàn nhà khoảng một mét, trên đầu cây được trang trí hoa văn. Khi uống rượu, gia chủ mở nắp bỏ lớp lá đậy trên miệng, đổ đầy nước, để chừng một giờ đồng hồ cho rượu ngấm. Nước đổ vào ché là thứ nước suối trong veo, ngọt sắc, cực kỳ mát lành được lấy từ dòng nước đầu nguồn của buôn làng. Sau khi đọc lời cầu khấn thần (Yàng) mong muốn thần sẽ mang đến sức khỏe, may mắn, tốt lành.
Ngày nay, dù có đa dạng các loại đồ uống song rượu cần của người Ê-đê vẫn hiện hữu. Đó là một đồ uống đặc sản mang hương vị truyền thống dân tộc. Điều quan trọng hơn cả là nét văn hóa rượu cần. Nó chứa đựng tính đoàn kết cộng đồng, tình yêu và sự sẻ chia…