Thái Bình được mọi người biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt dưới triều đại nhà Trần nên lăng mộ các vua Trần với tên gọi là Đền Trần Thái Bình đã được hình thành cách đây hơn 700 năm ở đây. Bên cạnh đó, lễ hội Đền Trần Thái Bình được tổ chức hàng năm từ ngày 13 đến 18 tháng Giêng âm lịch tại Đền Trần Thái Bình, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Lễ hội mang đến nhiều trò chơi vui nhộn như chọi gà, đấu võ, thi thả diều, rước kiệu … Nhưng trên hết, một phần đặc sắc của lễ hội vẫn là phần thi cỗ cá, một tục lệ hiếm có ở các vùng khác trên cả nước.
Mục Lục
Tục lệ thi cỗ cá
Theo các cụ cao niên trong làng, tục lệ thi cỗ cá được tổ chức để mọi người nhớ tới thuở hàn vi. Đó là tổ tiên nhà Trần sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Cũng chính vì sự gắn bó với sông nước, nên các vị tổ tiên nhà Trần thường ghép tên mình với tên một loại cá. Kể đến như Trần Kinh nghĩa là cá Kình, Trần Hấp nghĩa là cá Trắm; Trần Lý: cá Chép, Trần Thừa: cá Nheo, Trần Thị Dung: cá Ngừ.
Lễ hội thi cỗ cá do tám thôn của xã Tiến Đức thực hiện. Đây là một hoạt động đặc sắc của Lễ hội đền Trần (Thái Bình). Cá dùng trong hội thi do các cụ cao niên nuôi từ đầu năm trước. Khi làm cỗ, cá sẽ được để nguyên vẩy để cúng các liệt tổ, liệt tông nhà Trần…
Trong ngày hội, đám rước của dân làng 8 thôn trong xã Tiến Đức; huyện Hưng Hà tiến về sân Đình với đầy đủ cờ quạt, chiêng trống, gươm đao, lọng tán. Để có được mâm cỗ thịnh soạn, 8 thôn chia làm 8 giá. Mỗi giáp cử ra 15 người chuẩn bị. Mâm cỗ do các làng chuẩn bị hết sức đặc biệt. Hầu hết đều làm bằng các loại như cá trắm, cá chép, cá mè. Những con cá được lựa chọn cẩn thận, không được trật vẩy, gẫy vây, gẫy đuôi.
Có 2 loại cỗ cá là cỗ đơn và cỗ kép
Theo người dân ở đây, có 2 loại cỗ cá là cỗ đơn và cỗ kép. Cỗ kép gồm có 1 con cá trắm đen từ 3 vổ trở lên (mỗi vổ bằng chiều ngang 1 bàn tay khép vào); 4 con cá mè, mỗi con trên 1 kg. Khi bầy cỗ thì cá trắm, cá chép, cá mè đặt trên gắng (bằng phên gỗ đóng đẹp). Cắm hoa mẫu đơn vào miệng và mang cá, rải lá đinh lăng chung quanh. Cá trắm ở giữa, 4 cá mè ở 4 góc, bụng cá xuống dưới; lưng cá quay lên trên (không đặt cá nằm nghiêng), phủ vải điều lên trên.
Tầng dưới là 4 bát tàu đựng thịt lợn luộc. Chúng được đặt ở 4 góc đỡ gắng đựng cá trắm ở trên. Tầng dưới còn có 2 đĩa giò lụa, 2 đĩa giò pha, 1 đĩa chả chìa, 1 đĩa nem; 1 đĩa dưa hành, 1 bát mọc miến, 1 đĩa xôi. Còn cỗ đơn: Gồm cá chép từ 3kg trở lên, 4 con cá mè từ 1kg trở lên. Cách làm và bầy cỗ cũng như cỗ kép. Chỉ khác là không có cá trắm đen…
Giáp nào được giải nhất thì nhân dân thôn đó đưa vào cúng ở đền các vua. Sau đó vui mừng tổ chức đón giải. Bên cạnh những giá trị về mặt văn hóa lịch sử, văn hóa; tục thi cỗ cá trong lễ hội Đền Trần Thái Bình mang hy vọng của người dân về một năm mới làm ăn phát đạt, hạnh phúc. Không chỉ có vậy, tục thi cỗ cá còn góp phần khôi phục tục lệ đẹp về văn hóa ẩm thực của người xưa.
Thi kéo lửa nấu cơm
Xa xưa, khi các phương tiện đi lại còn thô sơ, trong quá trình chiến đấu chóng giặc xâm lăng, bắt nguồn từ thực tế phải phản ứng nhanh, hành quân thần tốc, quân và dân ta nhiều lần vừa hành quân vừa nấu cơm để rút ngắn thời gian di chuyển.
Thi kéo lửa nấu cơm tái hiện sinh động phương thức nấu cơm của quân dân ta thời phong kiến chống xâm lược. Tại lễ hội đền Trần Thái Bình, thi kéo lửa nấu cơm thu hút các đội đến từ các thôn, làng trong xã Tiến Đức, nơi diễn ra lễ hội đền Trần, mỗi đội 4 thành viên (2 nam, 2 nữ) tham gia hội thi.
Trong thời gian 30 phút, từ những nguyên vật liệu được chuẩn bị trước, các đội tiến hành buộc quang tre, đổ gạo vào niêu đất cho nước rồi vừa gánh vừa đốt các thanh tre nứa nấu cơm. Căn cứ vào thời gian nấu cơm, chất lượng cơm và cách trang trí, Ban giám khảo sẽ chọn ra đội thắng cuộc để trao giải.