Chè lam là món ăn giàu truyền thống và đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam. Thuở trước, món chè này được dùng phổ biến trong các dịp Lễ Tết. Chủ yếu, chè lam được dùng để cúng tổ tiên vào dịp đầu xuân năm mới. Ở thời điểm hiện tại, món chè này lại được sử dụng như một thứ đặc sản, một thức quà ăn quanh năm. Mặc dù quá trình làm ra chè lam cần sự công phu, tỉ mỉ nhưng bạn cũng hoàn toàn có thể tự tay làm ra món ăn độc đáo ngay tại nhà. Cùng theo dõi cách làm chè lam gấc ngon tuyệt cú mèo sau đây để học hỏi nhé!
Mục Lục
Danh sách nguyên liệu cần phải có
- Bột gạo nếp 2.5 kg (bột nếp chín)
- Gấc 2 kg (khoảng 2 trái)
- Mạch nha 500 gr
- Đường trắng 1/2 kg
- Đậu phộng rang 500 gr
- Gừng tươi 1 củ (củ lớn)
- Vừng rang 500 gr
- Vani 4 ống
- Dầu ăn 4 muỗng canh
- Nước lọc 2.5 lít
- Dụng cụ thực hiện: Máy xay sinh tố, nồi, chén, tô, muỗng, dao,…
Cách chọn mua gấc đỏ chín ngon
– Khi chọn mua gấc, bạn nên chú ý chọn mua những quả cuống còn xanh và tươi vì đây là gấc mới hái, thịt sẽ chắc và ngon hơn. Gấc khi chín sẽ chuyển thành màu đỏ tươi đẹp mắt, phần gai sẽ nở đều nhau.
– Trung bình mỗi quả gấc ngon, vừa chín tới sẽ có trọng lượng trung bình khoảng 1kg, khi mua gấc bạn nên chú ý đến điều này vì nếu lựa gấc nhẹ hơn thì thịt sẽ ít, không ngon.
– Khi chọn bạn thử dùng tay ấn nhẹ vào quả gấc để kiểm tra độ cứng của thịt, tránh mua những quả quá mềm nhũn hay quá cứng để đảm bảo chất lượng món ăn.
Bột nếp rang chín mua ở đâu?
– Bột nếp rang bạn có thể dễ dàng mua tại chợ truyền thống, trong siêu thị hoặc đặt mua trên các trên thương mại điện tử uy tín.
– Bên cạnh đó bạn có thể sử dụng gạo nếp thường rồi cho vào chảo rang đều tay với lửa nhỏ trong khoảng 30 – 40 phút đến khi gạo nếp dậy mùi thơm thoảng, hơi chuyển màu trắng ngà hơi đục thì bạn cho vào cối xay đa năng (cối dùng xay tiêu, các loại hạt cứng và gạo) để xay mịn thành bột rồi rây lại là được.
Tiến hành làm món chè lam gấc ngon tuyệt cú mèo
Bước 1: Sơ chế và xay gấc
– Gấc sau khi mua về bạn tách lấy hạt, lột cùi cho sạch rồi mang đi xay nhuyễn với 1 chén ăn cơm nước lọc sao cho tạo thành hỗn hợp màu đỏ hơi sền sệt.
– Gừng cạo vỏ, rửa sạch rồi cho mang đi giã hoặc xay thật nhuyễn với khoảng 1/2 chén ăn cơm nước lọc.
Bước 2: Trộn và nấu hỗn hợp gấc xay
– Lần lượt bạn cho vào nồi phần gấc đã xay nhuyễn, 1/2 chén gừng xay, 4 muỗng dầu ăn, 2.5 lít nước lọc, 500gr mạch nha, 1/2 kg đường trắng.
– Tiến hành nấu hỗn hợp với lửa vừa. Chú ý đảo thật đều tay cho các nguyên liệu tan hết và tránh cho hỗn hợp bị cháy.
– Tiếp đó bạn cho vào hỗn hợp 4 ống vani hỗn hợp gấc. Tiến hành đảo đều để thêm tạo mùi hương và khi ăn sẽ thơm ngon hơn.
Bước 3: Khuấy bột vào hỗn hợp gấc
– Khi hỗn hợp gấc đã sôi khoảng 2 – 4 phút và nguyên liệu được hòa tan hoàn toàn thì bạn tắt bếp. Sau đó cho thêm 500gr đậu phộng rang vào. Tiếp tục khuấy đều tay.
– Tiếp đến cho từ từ 2kg bột nếp chín vào nồi hỗn hợp gấc. Chú ý khuấy thật đều tay đến khi bột và hỗn hợp gấc hòa quyện hoàn toàn và sánh đặc lại.
Mách bạn: Để bột được trộn đều hơn và dễ dàng khi trộn hơn, bạn có thể chia bột thành 2 – 3 phần rồi lần lượt cho vào trộn với hỗn hợp gấc nhé!
Bước 4: Đổ khuôn chè lam gấc
– Trải 500gr bột gạo nếp chín còn lại vào một mâm hay luôn lớn để làm phần bột áo. Sau đó rải 500gr vừng rang phủ đều lên khắp mặt bột.
– Tiếp đó, đổ hỗn hợp gấc trộn bột nếp luôn trên khuôn rồi định hình tùy thích. Để nguội trong vòng 5 tiếng để chè lam đông lại hoàn toàn.
– Sau cùng bạn tiến hành cắt chè lam thành từng miếng nhỏ vừa ăn là hoàn thành rồi đấy!
Thành phẩm
Chè lam gấc thành phẩm dẻo ngọt, thơm lừng mùi gừng hòa vị với vị béo bùi của đậu phộng rang và vị ngọt thanh của mạch nha.
Chè sử dụng gấc tươi để làm nên có màu đỏ cam tự nhiên đẹp mắt, lại cực kì tốt cho sức khỏe. Thưởng thức chè lam cùng nước trà tươi nóng hổi thì rất hợp và ngon miệng đấy.
Chè lam là món ăn dân dã mang đậm nét đặc trưng của vùng thôn quê Bắc Bộ Việt Nam. Nếu như xưa kia chè lam là món ăn dùng để tiến vua, chỉ có vua chúa trong cung mới được thưởng thức như món tráng miệng sau mỗi bữa ngự thiện thì ngày nay, chè lam đã trở thành món quà quê phổ biến, đặc biệt xuất hiện nhiều ở các khu du lịch để du khách làm quà mang về, thậm chí sang cả trời Tây để giới thiệu với bạn bè quốc tế.