Khi những cơn mưa ngâu bắt đầu xuất hiện vào tháng 7 làm cho những cánh đồng lúa xanh tươi hơn thì cũng là lúc đồng bào Thái trắng vùng Mường Tấc, huyện Phù Yên chuẩn bị cho Tết “Xíp xí”. Mùi rượu men nồng cùng với những chiếc bánh ít, xôi khảu hang, cá suối nướng mời gọi những người con xa quê trở về quê nhà. Tết “Xíp xí” được tổ chức theo gia đình, có nơi theo dòng họ. Tuỳ theo hoàn cảnh gia đình mà tổ chức Tết “Xíp xí” có quy mô to, nhỏ khác nhau.
Mục Lục
Tết “Xíp xí” là ngày con cháu hướng về tổ tiên
Xíp xí” tiếng Thái nghĩa là 14. Tết “Xíp xí” của người Thái trắng ở Sơn La được tổ chức trong 1 ngày duy nhất, thậm chí là một bữa duy nhất vào trưa ngày 14/7 âm lịch hàng năm. Dân tộc Thái ở Tây Bắc được chia thành 2 ngành: Thái đen và Thái trắng. Mỗi ngành đều có những ngày lễ tết mang phong tục, bản sắc độc đáo riêng biệt.
Theo quan niệm của người Thái trắng, Tết “Xíp xí” là ngày con cháu hướng về tổ tiên. Đồng thời, là dịp người lớn dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt đến thế hệ trẻ. Vì vậy, ở nhiều nơi, đồng bào còn gọi “Xíp xí” là Tết trẻ con. Vào ngày này, trẻ em được ông bà, cha mẹ may cho những bộ quần áo rực rỡ sắc màu để mặc đi chơi Tết.
Theo lời một cụ già sống tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, “Vì Tết Xíp Xí còn được gọi là tết trẻ con, nên trong ngày 14/7 (âm lịch), nếu trẻ con vẫn đi trăn trâu thì phải gói xôi, gói thịt, gói bánh ít cho chúng mang đi để ăn, quần áo mới thì có thể tự may lấy hoặc đi mua về mặc cũng được. Nhưng thường vào ngày Xíp Xí, ăn trưa xong thanh niên, trẻ em rủ nhau đi chơi Tết, vui lắm”.
Lễ vật cúng
Để chuẩn bị cho Tết xíp xí, trước đó, những phụ nữ sẽ cùng nhau sửa soạn lá dong, dây lạt, ngâm gạo nếp thơm để gói bánh; đàn ông tranh thủ bắt cá suối, thịt vịt để chuẩn bị cho mâm cơm cúng thêm tươm tất. Lũ trẻ lo việc dọn dẹp chỉnh trang nhà cửa, quét sân, lau chùi các vật dụng trong nhà. Giống như nhiều ngày tết khác, Tết xíp xí có hai phần, đó là phần “mo” và phần hội. Phần “mo”, phần nghi thức truyền thống thờ cúng tổ tiên, nhớ công ơn người khai phá tạo mường, lập bản.
Lễ vật cúng gồm có nhiều thứ nhưng không thể thiếu rượu; cơm nếp nhuộm màu, thịt vịt và bánh ít… Theo đồng bào Thái nơi đây, con vịt gắn bó với đồng ruộng; sông suối, đời sống sản xuất của con người. Cúng thịt vịt là muốn con vịt ăn hết sâu bọ hại lúa và mang đi điều không may mắn, điềm xấu cho gia chủ. Còn món bánh ít bắt buộc phải có để cúng trong ngày tết. Để gói được bánh, nhất định phải tìm lá chuối rừng, rồi đem phơi nắng hoặc hơ lửa cho mềm dai và dễ gói. Sau đó trộn nhuyễn bột gạo nếp thơm ngon, nhân bánh làm từ thịt lợn bản, đỗ xanh hoặc đỗ đen và hạt tiêu.
Tết “Xíp xí” có 2 phần
Giống như nhiều ngày Tết khác, Tết “Xíp xí” có 2 phần, đó là phần “mo” và phần hội. Phần “mo” – phần nghi thức truyền thống thờ cúng tổ tiên; nhớ công ơn người khai phá tạo mường, lập bản. Đồ vật cúng tế trong nghi lễ phần “mo” được tổ chức theo từng gia đình. Có nơi theo dòng họ và tùy từng hoàn cảnh gia đình mà tổ chức to, nhỏ khác nhau. Lễ vật cúng gồm có nhiều thứ như: rượu, thịt, “khẩu cắm” – tức cơm nếp nhuộm màu…
Song có 2 thứ không thể thiếu là thịt vịt và bánh ít. Loại bánh được làm từ bột gạo nếp, gói lá chuối theo cặp và đồ xôi cho chín. Người ta giải thích rằng, con vịt gắn bó với đồng ruộng, sông suối; đời sống sản xuất của con người. “Xíp xí” cúng thịt vịt là muốn con vịt ăn hết sâu bọ hại lúa. Con vịt mang điều không may mắn, điềm xấu trôi theo dòng sông nước. Còn bánh ít gói theo cặp tượng trưng cho đôi lứa hạnh phúc…
Là dịp đồng bào thể hiện lòng mến khách của mình
Sau khi cúng, các thành viên trong gia đình sẽ cùng ngồi quây quần bên mâm cỗ. Con cháu chúc người già sống lâu trăm tuổi; người lớn cầu mong lớp trẻ yên vui, khỏe mạnh. Với người Thái trắng, “Xíp xí” cũng là dịp đồng bào thể hiện lòng mến khách của mình. Khách thân quen được mời từ trước đó mấy ngày. Khách lạ cũng như khách quen đến nhà đều được đón tiếp nồng hậu, chu đáo. Họ được thưởng thức những món ăn đặc trưng chỉ có trong ngày Tết “Xíp xí”. Dịp này, gia đình nào càng mời được nhiều bà con, khách khứa đến dự càng may mắn. Vui vẻ là vậy song bà con không quên nhắc nhau ăn uống phải chừng mực để Tết “Xíp xí” đảm bảo linh thiêng, an toàn và lành mạnh.
Tết gắn với hoạt động ấy là “khắp chúc muôn”
Tết “Xíp xí” không chỉ có ăn uống, vui chơi mà gắn với hoạt động ấy là “khắp chúc muôn”. Nghĩa là hát chúc mừng, “khắp sòn côn” – hát dạy làm người và “khắp báo sao” – tức hát giao duyên lúc ăn uống và lúc thăm nhau. Trong buổi chiều của ngày này (ngày Tết “Xíp xí”), chính quyền nhiều địa phương còn tổ chức hội vui chung. Đây chính là các hoạt động vui chơi văn hóa, văn nghệ được tổ chức tập trung.
Đông đảo người dân, đặc biệt là các chàng trai, cô gái đang ở tuổi cặp kê cùng tham gia vui chơi các trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, tok mák lẹ và múa, hát các bài dân ca mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là cơ hội để các cặp trai, gái đến tuổi xây dựng gia đình giao lưu, tìm hiểu và thành đôi, dựng vợ, gả chồng.
Nếu đã từng được tham gia, chứng kiến không khí Tết “Xíp xí” cùng đồng bào của người Thái trắng ở Sơn La, dù chỉ một lần, nhưng chắc rằng ấn tượng về ngày tết độc đáo này sẽ nhớ mãi khó quên.