Tào phớ hay tàu hũ là món ăn quen thuộc của mọi đứa trẻ 8x, 9x và đầu 10x. Nhưng hiện nay món ăn này dần trở nên ít đi do nhiều nguyên nhân. Có thể do người bán không kinh doanh nữa, cũng có thể do món ăn này không còn đáp ứng được sở thích của giới trẻ hiện nay. Mặc dù đã bị lãng quên nhưng trước kia, nó đã từng là món ăn vặt tuyệt vời nhất của giới trẻ. Vậy hôm nay hãy vào bếp và trở lại tuổi thơ với tào phớ – tàu hũ đường nho quen thuộc. Cùng theo dõi cách làm món ăn qua bài viết dưới đây nhé!
Mục Lục
Các nguyên liệu cần thiết cho món tào phớ đường nho
– Đậu nành 120 gr
– Nước đun sôi để nguội 1400 ml
– Bột gạo 25 gr
– Gừng 20 gr (lát mỏng)
– Muối 1/3 muỗng cà phê
– Đường nho 1/2 muỗng cà phê
– Đường cát trắng 150 gr
– Dụng cụ: Máy xay sinh tố, chén bát, muỗng, nồi, bếp gas, túi vải,….
Tuyệt chiêu chế biến món tào phớ đường
Bước 1: Xay và lọc sữa đậu nành
Trước tiên, bạn cần ngâm đậu nành cho ngập nước ít nhất khoảng 4 tiếng, rồi lấy ra rửa sạch và để ráo. Sau đó, bạn tiến hành xay nhuyễn đậu nành với 1100ml nước đã chuẩn bị.
– Mẹo: Bạn nên chia đôi lượng đậu nành để tiến hành xay, vì tránh làm cho máy xay dễ bị hư và đảm bảo hỗn hợp được xay nhuyễn. Khi lọc chúng ta cho toàn bộ đậu nành đã được xay nhuyễn vào túi vải để vắt thật mạnh lấy nước cốt sữa đậu nành.
– Mẹo: Để đậu hũ được mịn, bạn nên dùng túi vải sạch lọc thêm lần nữa nước cốt sữa đậu nành, chứ không dùng rây lọc bạn nhé! Trong quá trình vắt đậu, hạn chế tối đa vắt mạnh tay vì dễ làm cho nước xuất hiện nhiều bọt khí.
Bước 2: Nấu sữa đậu nành
Lấy một ít sữa đậu nành cho vào chén chứa 25gr bột gạo, khuấy đều cho tan hết. Sau đó, bạn bắt nồi sữa lên bếp để tiến hành nấu với ngọn lửa vừa. Trong quá trình nấu sữa đậu nành, bạn khuấy đều liên tục để phần sữa bên dưới không bị cháy.
Khi sữa bắt đầu sôi nhẹ, bạn mới cho phần nước bột gạo (vừa mới khuấy). Tiếp tục đảo đều cho đến khi sôi, đồng thời cho thêm 1/3 muỗng cà phê muối.
Bước 3: Làm tàu hũ bằng đường nho
Khuấy đều 1/2 muỗng cà phê đường nho với 2 muỗng canh nước, rồi cho vào tráng đều trong một nồi khác. Tiếp đó, bạn đổ hết nước sữa (mới nấu) vào nồi có chứa nước đường nho, rồi đậy nắp kín, để yên trong vòng 1 tiếng.
– Mẹo: Nếu nồi có lỗ thoát hơi và giữ nhiệt tốt cho phần sữa đang ủ, thì bạn nên phủ thêm lớp khăn sạch lên phía trên nắp nồi. Để giúp bề mặt tàu hũ trông bắt mắt, bạn nên vớt bọt ra trước khi ủ. Cho ít, vì nếu cho nhiều tàu hũ dễ bị đắng.
Bước 4: Làm nước đường nho
Thắng 50gr đường cát trắng với một ít nước thành caramen (nếu sử dụng đường vàng thì bạn không cần thắng đường). Sau đó cho 300ml nước cùng với gừng và phần đường còn lại nấu cho đến khi nào đường tan hết và trông lát gừng nhìn hấp dẫn, hoặc cho đến khi nước đường hơi đặc.
Thành phẩm
Như vậy, bạn đã thực hiện xong tàu hũ nước đường nho (hay được gọi là tào phớ) mà không cần phải sử dụng thạch cao. Lớp tàu hũ trắng mịn kèm với nước đường ngọt dịu và thoang thoảng đâu đó là vị thơm nồng của gừng, sẽ thật tuyệt vời khi bạn thưởng thức món này trong những ngay trời mưa, se lạnh đấy!
Lưu ý khi làm tàu hũ nước đường:
– Đảm bảo nước cốt sữa đậu nành sau khi vắt không còn cặn, để giúp cho đậu hũ được mịn.
– Khi ủ sữa đậu nành với nước đường nho, cần để yên và tránh di chuyển trong suốt thời gian ủ. Dụng cụ ủ sữa nên được làm bằng chất liệu dày để giữ nhiệt tốt.
– Đảm bảo dụng cụ nấu sữa đậu nành không bị dính dầu mỡ, cần được làm sạch, để tránh làm cho tàu hũ dễ bị ôi thiu.
Công dụng và phân loại đường nho
Đường nho là chất phụ gia có nguồn gốc từ thiên nhiên, chiết xuất từ nho và mật ong. Đường có dạng bột mịn, màu trắng và hương vị đặc trưng. Hương vị chính là thứ dùng để phân biệt chúng với các loại đường khác. Đường nho là sự hòa hợp của ngọt đầu lưỡi và chút chua ở cuống họng sau khi nếm.
Công dụng
Đường nho còn có thể tạo đông thực phẩm, nhất là các loại thực phẩm có nguồn gốc từ đậu nành như tào phớ,… Đường nho được sử dụng trong sản xuất nước giải khát như một chất giúp điều chỉnh độ pH và là chất tinh chỉnh hương vị cho món nem chua. Ngoài ra, đường nho còn được dùng để tạo độ xốp cho các loại bánh ngọt.
Phân loại
Trên thị trường hiện nay, có hai loại đường nho chính là đường Pháp (được sản xuất từ Pháp) và đường Ý (được sản xuất ở Ý). Về cơ bản, hai loại đường nho này có thành phần khá giống nhau. Đường của Ý có tính ổn định, ít chảy nước hơn đường của Pháp. Tuy nhiên người ta vẫn chuộng dùng đường nho Pháp cho các món ăn.
Dạo gần đây có một số thông tin đường nho có xuất xứ từ Trung Quốc kém chất lượng. Vì thế bạn nên thận trọng khi chọn mua đường nho. Bạn cần chú ý nhãn mác, nguồn gốc sản xuất và các thông tin sản phẩm.