Vùng đất võ Bình Định không chỉ nổi tiếng với những bãi biển yên ả, xinh đẹp mà còn có lễ hội Đống Đa Tây Sơn Bình Định diễn ra vào mùa xuân hàng năm vào ngày mồng 4 và mòng 5 tết. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước nhằm tưởng nhớ công đức to lớn của các thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, đặc biệt là anh hùng Quang Trung và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Những ngày đầu xuân là những ngày bạn muốn được nghỉ ngơi, du lịch đâu đó và thư giản. Lễ hội Đống Đa Tây Sơn được tổ chức tại Bình Định vào những ngày đầu xuân rất hấp dẫn và là một nét đẹp trong văn hóa Bình Định mà bạn có thể tham gia.
Mục Lục
Lịch sử của lễ hội Đống Đa
Vào ngày 28/12/2016, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý duyệt Kế hoạch tổ chức Lễ kỷ niệm 228 năm từ ngày chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789 – 2017) diễn ra. Lễ hội Đống Đa Tây Sơn Bình Định là dịp tưởng nhớ công lao của Tây Sơn Tam Kiệt cùng các văn thần, võ tướng đã dũng cảm đánh đuổi 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, thu non sông về một mối cách đây 231 năm.
Vào năm 1788, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổ ra khắp nơi. Vua Lê Chiêu Thống cảm thấy lo lắng về quyền lực của mình với đất nước nên đã cho người sang cầu cứu nhà Thanh. Càn Long là vua nhà Thanh lúc đó vốn đã có mưu đồ xâm lược nước ta. Nay thêm lời kêu cứu của vua nước Nam nên đã mau chóng hành động.
Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị được vua cử đem 29 vạn binh lính. Tất cả chia làm 4 mũi ồ ạt tấn công vào thành Thăng Long xâm chiếm nước ta. Quân ta dễ dàng bị đánh gục ở thành Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị ngạo mạn tuyên bố sẽ kéo quân vào thẳng sào huyệt Tây Sơn đúng ngày mùng 6 Tết.
Đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5 tết Kỷ Dậu (tức ngày 29, 30 tháng 2 năm 1789); quân đội Tây Sơn dũng mãnh tiến vào Hà Nội đánh tan đồn trại giặc Khương Thượng. Tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử trên núi Ốc (Loa Sơn). Trận đánh đã mở ra con đường tiến thẳng vào thành Thăng Long cho đội quân Tây Sơn.
Nhiều hoạt động văn hoá dân gian diễn ra trong lễ hội
Lễ hội được tổ chức quy mô, hoành tráng. Ngoài nghi lễ truyền thống, lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hoá dân gian. Đó là biểu diễn võ thuật Tây Sơn, trống trận Tây Sơn, đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng…tái hiện lại trận đánh lịch sử với những y phục, voi trận như ngày xưa vua Quang Trung ra trận.
Chương trình lễ Đống Đa diễn ra từ trưa mồng 4 tết. Đến chiều tại điện Tây Sơn diễn ra lễ tế long trọng. Chương trình lễ ngày mồng 5 tuy có thay đổi hằng năm nhưng các mục chính thì năm nào cũng có. Đó là diễn văn ôn lại lịch sử Tây Sơn với cuộc đại phá quân Thanh; biểu diễn võ thuật, trống trận Tây Sơn và thao diễn trận pháp. Tiết mục võ thuật Tây Sơn được các võ sĩ, nghệ nhân biểu diễn các bài quyền như “Lão mai độc thọ”, hay các bài roi như “Tấn nhất ô du”…
Các tiết mục nhạc võ Tây Sơn, biểu diễn chiến trận Đống Đa
Tiết mục nhạc võ Tây Sơn là môn nghệ thuật độc đáo của tỉnh Bình Định. Người biểu diễn vừa phải có tâm hồn nghệ sĩ, vừa là bậc võ sĩ siêu đẳng. Họ luyện đôi tay thần diệu để tác dụng lên lòng trống; vành trống và thân trống bằng cả hai bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, cánh tay. Họ tiếp xúc vào một bộ trống gồm 12 chiếc lớn nhỏ khác nhau. Bộ trống đó được gọi là “Song thủ đả thập nhị cổ”. Từ đó tạo nên những âm thanh hùng tráng.
Tiết mục biểu diễn chiến trận Đống Đa, được tổ chức trên địa thế qui mô; dàn dựng công phu, tập dượt chu đáo, có cả ngàn người thao diễn với cờ xí, chiêng trống, sắc phục, đồn luỹ…, Có năm còn có bốn, năm con voi trận tham gia.
Đến với lễ hội Đống Đa chúng ta như được sống lại một thời kỳ lịch sử để cảm nhận khí phách hào hùng của người anh hùng áo vải Quang Trung cùng với tinh thần thượng võ của người dân Bình Định và hơn thê nữa là tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc không bao giờ thay đổi trong mỗi con người Việt Nam.